Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Bất Động Sản 24h: doanh nghiệp chạy hết sức mình những ngày cuối năm


Trước sức hút của thị trường bất động sản cuối năm hầu hết doanh nghiệp hoạt động đến 28 - 29 Tết, thậm chí có nhiều doanh nghiệp nhân viên đăng ký ở lại bán hàng, không về quê ăn Tết.

Doanh nghiệp bất động sản và một mùa Tết không nghỉ

Theo đánh giá của nhiều sàn giao dịch bất động sản, nhu cầu mua nhà của người dân tăng khá mạnh vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, thời gian gần đây, lượng giao dịch căn hộ cao cấp cũng tăng trưởng, giao dịch thành công chủ yếu tại những dự án cao cấp đã hoàn thành, các dự án gần trung tâm.
 
Nhân viên môi giới nhiều công ty BĐS đăng ký ở lại bán hàng, không về quê ăn Tết. Ảnh minh họa.

Hà Nội thông xe tuyến đường "treo" 20 năm

Sau 20 năm "bị treo", dự án đường Trần Phú kéo dài (Ba Đình) cuối cùng cũng hoàn thành với tổng kinh phí 350 tỷ đồng cho 450 mét đường.

Dự án được Ủy ban TP Hà Nội quy hoạch từ năm 1992, tuy nhiên đến 2011 mới lập dự án và bắt đầu triển khai thi công (tháng 7/2014). Theo thiết kế khi đưa vào sử dụng, đường này rộng 12 m, vỉa hè rộng 5 m mỗi bên.

Cửa hàng ăn uống bình dân tràn xuống mặt phố lớn

Thống kê nhu cầu cho thuê mặt bằng của CBRE cho thấy, gần 50% các yêu cầu tìm kiếm diện tích bán lẻ đều nằm ngành hàng này và các yêu cầu dành cho các ăn uống bình dân nhiều hơn là các nhà hàng cao cấp.

“Ngành hàng ăn uống đang dẫn đầu trong việc chiễm lĩnh những vị trí bán lẻ độc đáo và nhóm lại với nhau tại những khu vực đặc biệt như Hồ Tây tại Hà Nội và Hồ Bán Nguyệt tại TP. Hồ Chí Minh”, đại diện CBRE nhận định.

Nhà đầu tư ngoại "nuốt đắng", tính kế lâu dài

Cơn sóng gió của thị trường BĐS vừa qua không chỉ là một bài học xương máu cho các nhà đầu tư trong nước, mà ngay cả những doanh nghiệp ngoại cũng nhanh phải thay đổi để tính kế lâu dài.

Nhiều dự án mác triệu đô hay tỷ đô tại Việt Nam đều phải điều chỉnh chiến lược dự án để có thể "sống sót" trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nhà đầu tư trong nước sau một thời gian học hỏi được nhiều kinh nghiệm.


930 tỷ đồng xây đường dẫn Cầu Bắc Luân II, Quảng Ninh

Dự án đường dẫn Cầu Bắc Luân II có chiều dài toàn tuyến 3,5km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới; 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT với phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án trên 930 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu để thực hiện giải phóng mặt bằng 500 tỷ đồng và vốn vay 430 tỷ đồng.


Đà Nẵng: Dân kéo vào cầu vượt ngã ba Huế không cho thi công

Chiều 11/2, hàng chục hộ dân phía Nam công trình cầu vượt ngã ba Huế (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã bao vây công trình yêu cầu đơn vị thi công phải ngừng lại vì ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc kinh doanh của họ.

Hầu hết các hộ buôn bán hai bên công trình cả năm nay không có khách lui tới. Một số hộ còn bức xúc vì trước khi xây cầu vượt, giá lô đất của họ lên đến vài tỷ đồng, nhưng hiện tại bị sút giá trầm trọng, thậm chí không có người mua.

Theo BizLIVE

Thị trường Địa Ốc tương lai vững vàng, chắc chắn

Năm 2014, lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đã chứng kiến sức phục hồi mạnh mẽ từ việc các giao dịch tăng mạnh, giá nhà đất ổn định và đặc biệt lượng tồn kho được giảm sâu. Nhằm đảm bảo sự minh bạch và xây dựng một thị trường phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch, tới đây Bộ Xây dựng sẽ cho xây dựng và ban hành Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản nhằm thay thế Nghị định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006.

Siết chặt điều kiện kinh doanh BĐS đối với tổ chức, cá nhân

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Sự hồi phục của thị trường BĐS trong năm 2014 đã đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, nội thất và giải quyết các vấn đề xã hội. Sự phục hồi này cũng đồng thời khẳng định tính đúng đắn của các chính sách, quan điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua.

Những nhận định này cũng một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải ban hành dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính minh bạch và hệ thống thông tin chuyên nghiệp cho thị trường.

Việc xác định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng được nêu rõ tại Điều 4 của mục này. Theo đó, mức vốn pháp định quy định tại Điều 3 của Nghị định này được xác định căn cứ vào số vốn điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã. Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải làm thủ tục đăng ký xác nhận về mức vốn pháp định…


Theo đó, dự thảo sẽ quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Cụ thể tại Chương II, Mục 1, Điều 3 quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản và phải có vốn pháp định theo quy định sau đây: a) Có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị; b) Có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này; c) Các doanh nghiệp đã có chức năng kinh doanh bất động sản từ trước ngày 01/7/2015 nhưng chưa có đủ mức vốn pháp định theo quy định tại điểm a và b khoản này thì được tiếp tục kinh doanh bất động sản, nhưng kể từ ngày 01/7/2016 nếu tiếp tục kinh doanh bất động sản thuộc diện phải có vốn pháp định theo quy định tại điểm a và b khoản này thì phải bổ sung đủ mức vốn pháp định theo quy định”.

Hiện dự thảo đang được tiếp thu, lấy ý kiễn từ các Bộ, ban ngành, địa phương và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2015.
Thị trường BĐS đang có sức phục hồi mạnh mẽ.

Quy định chi tiết các loại hợp đồng

Với nhiều điểm mới, Nghị định sẽ quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; về chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản
Về trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cũng được áp dụng chi tiết tại 2 bước là theo trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà ở.

Để đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý, Nghị định cũng quy định cụ thể về các loại hợp đồng trong kinh doanh BĐS; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án; chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn…

Các quy định này, vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất hiện nay vẫn là việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo dự thảo, điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cũng sẽ được rút gọn, bao gồm: “1. Bên mua, bên thuê mua chưa nhận bàn giao nhà ở hoặc đã nhận bàn giao nhà ở nhưng chưa nộp hồ sơ làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua thì bên mua, bên thuê mua có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cho tổ chức, cá nhân khác. 2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng có quyền chuyển nhượng hợp đồng cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận. 3. Việc chuyển nhượng hợp đồng quy định tại Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội”.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Nhà ở xã hội ồ ạt bung hàng

Nguồn cung nhà ở xã hội ở các tỉnh, thành phía Nam sẽ khá dồi dào với hàng chục ngàn căn hộ từ nhiều dự án được hoàn thành hoặc sẽ được triển khai trong năm 2015.

Năm 2015, Công ty cổ phần Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O)  sẽ triển khai ba dự án nhà ở xã hội ở, gồm First Home Premium Khang Việt (Quận 9, TPHCM), First Home Premium Thủ Đức (Quận Thủ Đức, TPHCM) và First Home Premium Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Ba dự án trên sẽ cung cấp trên 2.500 căn hộ nhà ở xã hội cho thị trường, với giá bán trong khoảng 11 - 15 triệu đồng/mét vuông.

Ông  Trương Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Hoàng Quân, cho rằng các dự án nhà ở xã hội sẽ đưa "sản phẩm thật đến với nhu cầu thật," phù hợp với điều kiện tài chính của người dân và nhận được các chính sách ưu đãi từ Nhà nước. Do đó, công ty này tiếp tục chọn nhà ở xã hội là hướng phát triển lâu dài của công ty, ông Sơn cho hay.

Khách hàng tìm hiểu dự án Khu đô thị Smart City An Giang ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tại đây có một dự án nhà ở xã hội với quy mô 495 căn. Ảnh: Mạnh Tùng
 
Trước đó, N.H.O đã triển khai dự án First Home Thạnh Lộc (Quận 12, TPHCM), với gần 500 căn hộ đang hoàn thành lô thứ 2 và dự kiến  giao nhà vào quí 3 năm nay.

Trong khi đó, Công ty Địa ốc Hoàng Quân dự kiến sẽ triển khai hàng loạt các dự án nhà ở xã hội tại TPHCM, Bình Thuận, Nha Trang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Tây Ninh, cung ứng tổng số hơn 10.000 căn hộ. Trong đó, hai dự án sẽ được triển khai tại TPHCM bao gồm: nhà ở xã hội Bình Trưng Đông ở Quận 2, và nhà ở xã hội An Phú Tây ở Huyện Bình Chánh, dự kiến sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2016-2017.

Trong năm 2014, trên địa bàn thành phố đã khởi công dự án nhà ở xã hội ở phường Thảo Điền do Công ty cổ phần Thủ Thiêm làm chủ đầu tư với quy mô 304 căn, và hoàn thành một dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang ở Quận Gò Vấp của Công ty Hà Đô với quy mô 432 căn, hứa hẹn bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2015, trên địa bàn thành phố sẽ có thêm năm dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 3.500 căn cung ứng ra thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Tết vui cho nhân viên Kinh doan Địa Ốc

Các sàn giao dịch Địa Ốc tại Hà Nội những ngày cuối năm vừa chốt doanh số, vừa tiếp tục phục vụ khách hàng có nhu cầu. Không khí rộn ràng hơn hẳn so với cùng thời điểm vài năm trước dù lượng giao dịch đã không còn nhiều do tết đã đến rất gần.

Theo ghi nhận của PV, không khí vui vẻ bao trùm hầu hết các sàn giao dịch BĐS. Ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn giao dịch Địa Ốc Hải Phát hồ hởi cho biết, thưởng Tết năm nay của sàn ít nhất cũng 1 tháng lương cho mỗi nhân viên. Con số này là 4 tháng lương cho những người làm việc lâu năm và có doanh số tốt. Cuối tuần này, các nhân viên sàn mới về quê ăn tết nhưng không khí rất vui vẻ. Hiện tại, sàn Hải Phát vẫn có khách hàng đến đặt cọc tiền giữ chỗ và sang đầu năm mới sẽ ký kết hợp đồng.

moi-gioi-bds
Nhân viên môi giới bất động sản có một năm kinh doanh khá thuận lợi. Ảnh minh họa

Còn theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc thì cho rằng, cuối năm bao giờ cũng là thời điểm khách hàng đưa ra các quyết định mua sắm, khi mà đã cân đối được thu chi của cả năm. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm lượng kiều hối đổ mạnh về trong nước kích thích các hoạt động đầu tư, và bất động sản luôn là kênh đầu tư được ưa thích vì mang tính ổn định về dài hạn. Ông Quyết nhận định: “Giá BĐS đã giảm về mức khá hấp dẫn, cộng với việc người mua có thêm nhiều lựa chọn tốt và các dự án đều được chủ đầu tư khuyến mãi, ưu đãi…đã kích thích nhu cầu, thúc đẩy người mua xuống tiền”.

Ông Vũ Kim Giang, Phó chủ tịch Liên minh Sàn giao dịch BĐS R9+ cho biết, giao dịch trên thị trường dịp cuối năm tăng mạnh là vì các chủ đầu tư nắm bắt được dấu hiệu ấm lên của thị trường nên đồng loạt bung hàng. Ngoài ra, họ cũng biết tự điều chỉnh mức giá, cơ cấu lại sản phẩm, giá trị và chất lượng căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của người mua. Còn với khách hàng, tâm lý chờ đợi đã giảm bớt, thay vì đợi giá xuống thêm nhiều người đã quyết xuống tiền vào cuối năm.

Còn tại Sàn giao dịch BĐS VIC, nhân viên đang từng bừng vì có cả chục hợp đồng giữ chỗ của khách hàng. Lãnh đạo sàn này cho biết, tùy năng lực từng người, mỗi nhân viên được nhận thưởng bình quân khoảng 2 – 3 tháng lương. “Tiền thưởng và thu nhập cao hơn rất nhiều so với Tết 2014 vì thế anh em ai cũng vui vẻ”, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc sàn chia sẻ.
 

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường bất động sản trong tháng 1/2015 “vào mùa” làm ăn. Hầu hết các sàn giao dịch đều tận dụng hết công suất để bán hàng. Một trong những đơn vị môi giới “đắt khách” nhất hiện nay là liên minh sàn giao dịch BĐS G5. Đại diện công ty, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Nhu cầu của người dân hiện tại là có thật và tương lai nhu cầu còn rất lớn. Dự báo thời gian tới thị trường sẽ còn tiếp tục sôi động. Phân khúc bất động sản cao cấp đã có nhiều chuyển biến trong năm 2014, và có thể sẽ là điểm sáng của thị trường BĐS năm 2015”.

Nguồn tin từ G5 cũng cho biết, hiện có một lượng khách hàng là Việt kiều đăng ký giữ chỗ cũng như liên tục tìm hiểu các cơ hội mua nhà đất tại Việt Nam. Đây là kết quả của hiệu ứng chính sách mở rộng điều kiện mua nhà cho Việt kiều của Luật Nhà ở sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2015.

Ông Nguyễn Quốc Khánh đại diện G5 nhận định: “Nếu tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng tốt, lãi suất, lạm phát… giữ ở mức ổn định như năm 2014, theo tôi, không chỉ khách hàng mua nhà để ở, năm 2015, các nhà đầu tư cũng sẽ không ngại đổ tiền vào thị trường BĐS”.

Thời điểm cuối năm Âm lịch, thị trường BĐS Hà Nội ghi nhận nhiều dự án mở bán ở cả phân khúc giá rẻ lẫn cao cấp. Các sàn giao dịch đều có chung nhận định, càng về cuối năm, nhu cầu mua nhà của người dân càng tăng mạnh. Lượng giao dịch tại các dự án căn hộ cao cấp cũng tăng trưởng đáng kể, tập trung ở những dự án cao cấp đã hoàn thiện và gần trung tâm.


(Theo Đầu tư chứng khoán)

Mua đất giá rẻ, đất nông nghiệp đất xen kẹt có thể gặp rủi ro

Thời gian gần đây, cùng với sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản, nhu cầu tìm mua căn hộ để ổn định chỗ ở của người dân cũng tăng lên, nhất là các sản phẩm có diện tích và mức tiền vừa phải. Thông tin bán những mảnh đất, nhà có giá và diện tích 650 triệu - 1,5 tỷ đồng/căn 30 - 50m2 lại được đăng nhan nhản trên các trang mạng với những lời rao hấp dẫn. Vậy thực hư những căn nhà, mảnh đất giá rẻ này là như thế nào.

Những hứa hẹn hấp dẫn

Trong vai khách hàng, chúng tôi liên lạc với chị Mai Ngọc, người đang rao bán rất nhiều nhà, đất giá rẻ ở khu vực Nguyễn Xiển, Thanh Xuân. Chị Ngọc giới thiệu, hiện đang có trong tay đủ loại sản phẩm đất, nhà 1 - 2 tầng xây sẵn, có thể vào ở ngay. Mức giá mỗi sản phẩm chỉ quanh ngưỡng 1 tỷ đồng. "Tất cả đều là đất, nhà xây trên đất xen kẹt, đất nông nghiệp, phi nông nghiệp nên mới có giá như vậy" - chị Ngọc thẳng thắn chia sẻ. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn về nguồn gốc đất, chị trấn an: "Đất hoàn toàn yên tâm, rất nhiều người đã mua, chuyển về sinh sống. Hơn nữa khi giao dịch, sẽ có giấy tờ xác nhận của xã, phường; Xác nhận không tranh chấp của các hộ dân xung quanh; Giấy xác định vị trí thửa đất; Hóa đơn thuế đất… Đặc biệt, tương lai sẽ làm được sổ đỏ vì Nhà nước đang triển khai rà soát những mảnh đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, xen kẹt giữa khu dân cư như thế này để chuyển đổi thành đất ở".


Những căn nhà, mảnh đất xây trên đất nông nghiệp khu Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân đang được rao bán. Ảnh: Thu Hà
 
Và để khách yên tâm hơn, chị Ngọc còn cam kết bảo hành trong 2 năm; nếu nhà, đất chị bán rơi vào diện GPMB, quy hoạch sẽ hoàn tiền gốc cộng lãi theo ngân hàng.

Thực tế, hiện trên địa bàn Hà Nội không chỉ có khu vực Nguyễn Xiển mà các khu vực khác như Tân Triều (Thanh Trì); Bùi Xương Trạch, Hạ Đình, Triều Khúc (Thanh Xuân), Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ…, rất nhiều mảnh đất xen kẹt, nông nghiệp, phi nông nghiệp đang được rao bán. Giá bán dao động từ 18 - 25 triệu đồng/m2. Thậm chí, có những khu, loại đất này còn được chào bán với giá cao ngất ngưởng 32 - 55 triệu đồng/m2 do có vị trí đắc địa, gần trung tâm, thuận tiện giao thông.

Nhiều rủi ro

Ông Nguyễn Hiếu - phụ trách mảnh đất nền của sàn BĐS Vicland (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cho biết: "Có hai nhóm đối tượng mua loại đất này. Một là những người ít tiền, họ chấp nhận rủi ro để có chỗ ở ổn định. Hai là những người rất am hiểu các quy định liên quan đến đất đai, dư tiền, đầu tư đợi hưởng lợi. Bởi chi phí đầu tư ban đầu cho những mảnh đất không sổ đỏ nhưng vị trí đẹp thường rất rẻ". Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghề nghiệp, ông Hiếu khuyến cáo người mua, không nên thấy rẻ mà mạo hiểm đầu tư loại đất này vì rủi ro vẫn rất cao. Hơn nữa, giấy tờ giao dịch mua bán chỉ viết tay hoặc photo, rất dễ bị "bẫy". Đã có trường hợp cùng một mảnh đất được bán cho nhiều người. Khi xảy ra tranh chấp, người mua không có căn cứ để chứng minh là đất của mình.
 
Chỉ phải bỏ ra khoảng 600 triệu - 1 tỷ đồng là có thể sở hữu "mảnh đất cắm dùi" khá ưng ý, thậm chí còn có nhà xây hoàn thiện vào ở ngay. Điều này quả thực rất hấp dẫn với những người đang có nhu cầu mua nhà. Thêm vào đó, thủ tục mua bán, chuyển nhượng lại đơn giản, không phức tạp nên dù không có sổ đỏ, tính pháp lý mập mờ, nhiều rủi ro, những loại đất này vẫn được rất nhiều người chấp nhận, săn đón, tìm mua. 

Mặt khác, theo các cấp chính quyền, tại những khu vực được phản ánh có đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, xen kẹt rao bán đều khẳng định, không có chuyện phường, xã xác nhận cho những giao dịch mua bán này, cũng như tính hợp pháp của các sản phẩm xây dựng trên loại hình đất này. Do đó, người mua nên cẩn trọng, kiểm tra, xác minh rõ ràng nguồn gốc mảnh đất, giấy tờ để tránh bị lừa, thiệt hại khi quyết định mua.

Theo KTĐT

Đầu tư Địa Ốc 2015 vào dự án Chết lên ngôi

Một trong những điểm cốt lõi của thị trường Địa Ốc năm 2015, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA, đó là doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ kinh doanh kiểu "mì ăn liền", thay vì đầu tư dự án mới, doanh nghiệp sẽ tìm các dự án "chết" để đầu tư.

4 điểm cốt lõi của thị trường bất động sản năm 2015

Ông Đực cho rằng, dù thị trường bất động sản (BĐS) sẽ có những tác động tích cực từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và việc "mở cửa" cho Việt kiều mua nhà, nhưng việc đầu tư BĐS sẽ khó khăn hơn nhiều khi thủ tục xây dựng rườm rà hơn, cộng thêm quy định mới về ký quỹ, bảo lãnh và nhất là tiền sử dụng đất tăng. Dự báo thị trường BĐS khi đó sẽ diễn biến theo 4 kịch bản sau:
Một là, sẽ có những đơn vị buộc phải bán dự án thậm chí bán cả doanh nghiệp. Việc mua bán những dự án có khả năng "hồi sinh" sẽ diễn ra sôi động, vì đầu tư tại những dự án này nhanh - gọn - bán liền - lãi liền. Ông Đực gọi đây là một cái chết "mềm mại". Tất nhiên, những doanh nghiệp đuối thế buộc phải chấp nhận cái chết này để có tiền trả lãi vay ngân hàng và thoát ra khỏi thị trường. Không ít doanh nghiệp buộc phải "ra đi" trong tức tưởi trắng tay mới mong thoát khỏi đống nợ xấu. 
Hai là, các căn hộ diện tích nhỏ sẽ lên ngôi với sự "chào đời" của loạt căn hộ 50-60 m2. Đặc biệt là khi Luật Nhà ở mới không bắt buộc diện tích căn hộ tối thiểu phải đạt 45 m2 như quy định cũ, tạo cơ hội cho sự xuất hiện các loại căn hộ 30m2. Từ đó, thị trường căn hộ nhỏ sẽ có sự cạnh tranh sôi động và khốc liệt hơn.

Ngược lại, phía những doanh nghiệp không muốn hoặc dự án khó chuyển nhượng do cơ cấu sản phẩm không phù hợp, chắc chắn sẽ phải chấp nhận một cái chết thảm khốc, và cái chết này đương nhiên gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt mà cả khách hàng trót mua sản phẩm hoặc nhà thầu thi công sẽ "chết chùm" cùng nhau vì không thu hồi được nợ, dẫn đến kiện tụng, tranh chấp.
Ba là, thị trường trong năm 2015 sẽ không có nhiều dự án được đầu tư mới. Bởi lẽ, theo quy định trong Luật mới sửa đổi, quá trình đầu tư dự án không giảm mà còn ràng buộc thêm nhiều điều kiện và thủ tục phức tạp hơn. Trong đó, đáng chú ý là việc tăng tiền sử dụng đất, việc ký quỹ và bảo lãnh ngân hàng trong Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh BĐS. Theo ông Đực, những thủ tục này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp, làm tăng thủ tục hành chính, tăng kinh phí đầu tư, từ đó tăng giá bán căn hộ và đương nhiên người mua nhà phải gánh chịu.
Vì thế xu hướng của các nhà đầu tư là tìm mua lại dự án cũ rồi tiếp tục xây dựng và bán hàng nhằm thu lại tiền một cách nhanh chóng. Sẽ không có nhà đầu tư nào đi khai thác thêm dự án mới để rồi phải đợi 5-7 năm sau mới xây ra để bán. Vì thế, theo ông Đực, năm 2015 sẽ diễn ra tình trạng đầu tư trên xác các dự án chết, kinh doanh theo kiểu "mì ăn liền".
Bốn là, thị trường đã và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các siêu đại gia BĐS đầu tư các siêu dự án. Đơn cử, tại Tp.HCM hiện nay đã xuất hiện "đại gia" Vingroup đầu tư một dự án khủng ở Tân Cảng, hay công ty Đại Quang Minh, Hà Đô… Đó là những siêu đại gia có nguồn tài chính dồi dào và thế lực hùng hậu, với khả năng làm thủ tục nhanh chóng và tung sản phẩm ra thị trường nhanh không kém với mức giá và vị trí tốt. Những dự án này có thể gây ra hiệu ứng xấu với những dự án ở gần, có giá bán tương đương vì không cạnh tranh được.

Giá nhà đã sát điểm hòa vốn

 

Thị trường BĐS đã và đang thanh lọc trong nhiều năm qua, và quá trình này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới. Những doanh không có khả năng tài chính, những dự án không khả thi sẽ buộc phải chết hoặc phải "bán mình". Cho dù hoạt động mua bán sáp nhập có sôi động nhưng số lượng vẫn chưa thấm vào đâu so với núi hàng tồn kho. Cụ thể, trong năm 2014, Tp.HCM chỉ có vài chục dự án được doanh nghiệp "hồi sinh" trên tổng số 900 dự án đang nằm "đắp chiếu".

Theo ông Đực, thị trường BĐS năm 2014 có phần sôi động hơn so với giai đoạn 2011-2013. Tuy biến động không nhiều nhưng đã có những điểm rất tích cực. Thị trường hiện có khoảng 40 dự án BĐS hoạt động tốt tại Tp.HCM như Ehome của công ty Nam Long, Happy Valley của Phú Mỹ Hưng hay HimLam Chợ Lớn.... Hoặc những dự án được chủ đầu tư mới hồi sinh. Đó là những ông chủ "có máu mặt" như Hưng Thịnh Land, tập đoàn Đất Xanh hoặc tập đoàn Novaland...
Những công ty "siêu mạnh" cũng xuất đầu lộ diện trong khoảng thời gian cuối năm qua như Đại Quang Minh, Hà Đô, Vingroup... với các sản phẩm thuộc phân khúc trung cao cấp ở Q.2, Q.10 và Bình Thạnh, Tp.HCM. Dự án của những công ty này có thể coi là điểm sáng, tạo sự cải thiện về thanh khoản cho thị trường.
Ở một góc độ khác, theo ông Đực, sự sôi động của những dự án trên không phải là bộ mặt của toàn thị trường BĐS. Ở chiều ngược lại, với khoảng 900 dự án đang nằm "bất động", thị trường vẫn còn rất nhiều "điểm đen" khó có thể giải quyết trong nay mai. 
Về giá bất động sản, theo ông Đực, sau một thời gian giảm liên tục, giá nhà đã đến điểm hoà vốn, khó có thể giảm sâu hơn nữa. Phân khúc căn hộ nhỏ, giá bán trung bình sẽ khiến các doanh nghiệp định hướng dòng sản phẩm này phải cạnh tranh khốc liệt. Điểm tích cực là nó sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của đa số người dân, từ đó tăng thanh khoản và giúp thị trường sôi động hơn.
(Theo NDH/Vietstock)

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Nhộn nhịp giao dịch căn hộ cuối năm

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý IV/2014 giao dịch của thị trường bất động sản được đánh giá tốt nhất trong vòng mấy năm qua. Cụ thể, đã có khoảng 4.200 căn hộ được chốt giao dịch ra thị trường sơ cấp. Ngoài ra, còn một lượng lớn nền đất, nhà phố thấp tầng và biệt thự... cũng đã được khách hàng đặt mua... Đại diện Savills, ông Troy Griffiths khẳng định: “Đây là con số giao dịch thành công cao nhất trên thị trường BĐS kể từ cuối năm 2010”.
Đại diện Himlam Land, ông Ngô Đình Hãn nhận định, cuối năm nay, tình hình giao dịch tốt hơn là do nền kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu hồi phục, ngoài ra là tác động từ phía chính sách giúp giảm lãi suất hoặc mở cửa cho Việt kiều mua nhà...Tâm lý khách hàng đã ổn định trở lại, muốn quay lại đầu tư, các chủ đầu tư cũng biết điều chỉnh căn hộ nhắm đúng nhu cầu thật sự và có nhiều chính sách về tài chính hỗ trợ người mua... “Thị trường BĐS cuối năm đã tốt còn tốt hơn nữa do cuối năm, một lượng lớn kiều hối đổ về nước và dòng tiền này phần lớn chảy vào thị trường BĐS", ông Hãn phân tích thêm.
Tại các công ty bất động sản, thực tế lượng giao dịch thành công trong năm 2014 tăng khá mạnh, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Đơn cử, Tập đoàn Novaland trong năm 2014 đã bán thành công khoảng 3.000 căn, con số này trong năm 2013 là khoảng 2000 căn. Novaland tỏ rõ tham vọng khi đặt mục tiêu bán được 6.000 căn hộ trong năm 2015. Theo một lãnh đạo của công ty này, bộ phận kinh doanh làm việc đến hết ngày 29 âm lịch mới được nghỉ tết. Một số công ty khác cũng có doanh số bán hàng khá tốt như Himlam Land được khoảng 1.000 căn; Đại Quang Minh sau tết âm lịch mới mở bán nhưng dự án Sala đã có khoảng 365 nền biệt thự được khách hàng đặt mua.
(Theo Thanh niên online)

Đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quản lý đất đai

Mục đích của Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) là tăng cường sự tiếp cận dịch vụ thông tin đất đai của mọi đối tượng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3/9 địa phương chậm tiến độ mặc dù dự án đã được gia hạn thêm thời gian.

 

Phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ dự án

Nhằm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, phải xem xét linh hoạt trường hợp hiện trạng sử dụng đất khác với hồ sơ. Trường hợp đất lúa chuyển thành trồng cây ngắn ngày, hoa màu vẫn công nhận là đất lúa, còn với trường hợp chuyển sang mục đích làm nhà, trồng cây lâu năm phải để lại xử lý. Phải yêu cầu các nhà thầu năng lực kém đưa ra giải pháp khắc phục. Nếu khắc phục không được, phải chấm dứt hợp đồng hợp tác và tìm nhà thầu đủ năng lực thay thế.
Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai kiêm Trưởng Ban quản lý dự án VALP cấp Trung Ương cho biết, các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện với Ban quản lý dự án VALP cấp Trung ương. Phải giao ban, báo cáo tiến độ hàng tháng  để phối hợp xử lý. Đối với các địa bàn chậm tiến độ, phải giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai. Bên cạnh đó, phải tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và đơn vị thi công nhằm giải quyết các công việc tồn đọng.

 TP. Hà Nội đã hoàn thành dự án

 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn thiện khối lượng đo đạc bản đồ địa chính ở 3 huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng của dự án VLAP với quy mô 37.990 ha. Hiện tại, Sở đang tập trung đôn đốc các huyện đẩy mạnh tiến độ cấp sổ đỏ cho các cá nhân, hộ gia đình theo quy định, bảo đảm hoàn thiện và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vào quý II/2015.

Dự án VLAP được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre từ năm 2008-2013. Sau đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã gia hạn tới hết tháng 6/2015, dự án phải hoàn thành. Mục đích của dự án là tăng cường sự tiếp cận dịch vụ thông tin đất đai của mọi đối tượng đối bằng việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện, dựa trên cơ sở xây dựng hệ thống công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời về thông tin đất đai, đăng ký đất đai và chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập, trình UBND thành phố phê duyệt dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại địa bàn thành phố; dự án đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất ở các nông trường, đất rừng và trạm trại trên địa bàn thành phố và triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Cần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (ảnh minh họa)


3 tỉnh chậm tiến độ do năng lực nhà thầu yếu

Căn cứ vào thông tin từ Ban Quản lý dự án VLAP cấp Trung ương, hiện nay, còn 3 tỉnh là Bình Định, Hưng Yên và Tiền Giang chưa đáp ứng được mục tiêu cam kết chủ yếu đối với các hoạt động về kỹ thuật, công tác giải ngân. Công tác chỉ đạo điều hành của những địa phương này còn yếu, một số nhà thầu năng lực kém mặc dù lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án VLAP cấp Trung Ương nhiều lần tới làm việc, đôn đốc triển khai.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang gặp vướng mắc là năng lực nhà thầu còn hạn chế, chưa nắm được tất cả những quy định liên quan đến đo đạc, đăng ký, cấp sổ đỏ khiến việc phải làm đi làm lại nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tiến độ. Còn đại diện UBND tỉnh Bình Định lại cho hay, vấn đề cấp sổ đỏ dự án VLAP chậm vì một số thửa đất có sai lệch giữa hồ sơ quản lý và hiện trạng, đang có tranh chấp và điều kiện đo đạc của nhiều nhà thầu còn hạn chế.
(Theo Kinh tế & Đô thị Online)