Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Hướng mới nhằm vực dậy thị trường bất động sản

Vẫn không nằm ngoài những vấn đề cũ như nợ xấu, tồn kho bất động sản, nghị quyết số 02/NQ-CP… nhưng hội thảo lần này đã đưa ra những nhìn nhận cụ thể hơn về việc triển khai gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng của Chính phủ và khả năng vận dụng những kinh nghiệm rã băng và làm nóng thị trường ở nước ngoài.
 



Một trong những dự án bỏ dở nhiều năm chưa hoàn thành tại TP.HCM

Lại một hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được tổ chức vào ngày 27-7 vừa qua theo chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản” được tổ chức.

Nên chăng thành lập hiệp hội môi giới bất động sản?

Dường như chưa có hội thảo bất động sản nào để cập nhiều đến vai trò của nhân viên môi giới như hội thảo lần này. Nhân viên môi giới có vai trò rất quan trọng, có khả năng kích thích các giao dịch mua bán, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, nhưng cũng chính lực lượng này làm cho thị trường méo mó, gây mất niềm tin ở người đầu tư.

Thị trường càng khó khăn thì càng cần đội ngũ môi giới trình độ cao, được đào tạo kỹ, có kinh nghiệm, nắm thông tin thị trường, am hiểu pháp luật về bất động sản, giúp lấy lại niềm tin cho người có nhu cầu.

Thống kê cho thấy hiện nay có trên 70% các giao dịch bất động sản được thực hiện thông qua các tổ chức môi giới không đăng ký kinh doanh. Người dân thường gọi chung những người môi giới bất động sản là “cò đất”, “cò nhà” và vai trò của nhà môi giới hầu như chưa được xã hội chính thức thừa nhận. Vì vậy mà nhiều người có tâm lý lo ngại khi mua bán BĐS, làm thị trường vốn đã đìu hiu lại càng ảm đạm hơn.

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo thì ở Việt Nam, quá dễ dàng cho một người muốn bước vào nghề môi giới BĐS. Những mẩu tin tuyển dụng đăng trên báo chí cho thấy chỉ cần tốt nghiệp THPT đã có thể được tuyển dụng làm nhân viên môi giới. Những nhân viên môi giới làm việc bán thời gian đôi khi trình độ còn thấp hơn.

Trong khi đó, ở Ba Lan, muốn có chứng chỉ hành nghề môi giới thì phải có trình độ văn hóa từ đại học trở lên, phải trải qua một kỳ thi quốc gia được tổ chức bởi một hội đồng giám định quốc gia trong lĩnh vực hành nghề BĐS (cả thi viết và thi vấn đáp), đồng thời phải có kết quả thực hành sáu tháng trong các công ty BĐS và có tối thiểu 15 thương vụ môi giới chính thức.

Hiện Ba Lan có khoảng 25 hiệp hội môi giới BĐS hoạt động ở 16 tỉnh, tập hợp trong một tổ chức là Liên hiệp Các hiệp hội môi giới BĐS.

“Vai trò của nhà môi giới và hiệp hội môi giới BĐS là không thể thiếu trong sự phát triển ngành công nghiệp BĐS của một quốc gia” – ông Huỳnh Anh Dũng, giảng viên đồng thời là CEO của Trường Đào tạo BĐS Quốc tế Leader Real (Hoa Kỳ) khẳng định.

Hiệp hội BĐS là đơn vị bảo vệ quyền lợi những nhà môi giới BĐS, đồng thời chế tài và cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm cho người làm nghề này. Sự phát triển kinh tế BĐS Mỹ nhờở sự đóng góp không nhỏ của những chuyên viên môi giới. Gần một triệu thành viên của Hiệp hội BĐS Hoa Kỳ (NAR) và Hiệp hội Các nhà môi giới BĐS Hoa Kỳ (Realtor) đã chứng minh điều đó.

Đại diện Công ty CBRE dự đoán rằng đến kỳ hội thảo “Dự báo táo bạo 2014” thì thị trường nhà ở sẽ nhích khỏi mức đáy và thị trường BĐS nói chung sẽ khởi sắc trở lại.

Dù kỳ vọng đó còn phải chờ thời gian, nhưng việc phát triển và hoàn thiện đội ngũ nhân viên môi giới là việc nên làm ngay để xóa dần tình trạng bát nháo trong nghề môi giới BĐS ở nước ta. Chính những nhà môi giới chuyên nghiệp sẽ lấy lại lòng tin của đông đảo khách hàng bằng thái độ nghiêm túc và sự tận tụy trong công việc.

Kỳ vọng gì vào gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng?

Gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng được đưa ra theo nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm vào hai mục tiêu chính là xử lý kho bất động sản (BĐS) để giải phóng khối lượng nợ xấu đang tồn đọng và tăng cung cho khu vực nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết nhà nhu cầu về chỗở cho người thu nhập thấp.

Một số khách mời tại hội thảo cho rằng vấn đề thủ tục hành chính vốn bị xem là “rào cản muôn thuở” trong thực thi các chính sách ở nước ta cũng đang cản trở việc thực thi nghị quyết nói trên.

Trên thực tế, cho đến nay, số lượng người dân được vay tiền chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì vướng mắc thủ tục xác nhận điều kiện được vay. Việc xác định “đối tượng thu nhập thấp” vẫn chưa được quy định cụ thể và cũng chưa có sự thống nhất giữa các ngân hàng.

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc đặt ra các quy định về xác nhận thu nhập cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội và chứng minh khả năng trả nợ khi người thu nhập thấp vay tiền đang có biểu hiện thiếu khả thi. Hiện nay vẫn chưa có công cụ quản lý thu nhập của người lao động nên ai là người có thể đứng ra xác minh thu nhập của người xin vay vốn?

Chưa hết, cho người nghèo vay tiền mà phải bảo đảm khả năng trả nợ phải chăng là việc “bất khả thi”? Nếu đã có đất, nhà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người có thu nhập thấp có cần mua nhà ở xã hội?

Thậm chí khi cho họ thế chấp bằng chính căn nhà sẽ mua để vay tiền thì cũng khó chứng minh được khả năng trả nợ. Nếu cứ giải quyết theo nguyên tắc cứng nhắc thì không biết bao giờ người thu nhập thấp tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Mặt khác, GS Đặng Hùng Võ cho biết, cơ chế cấp tín dụng ưu đãi cũng như việc rà soát cho chuyển đổi dự án mới chỉ được thực hiện nhằm tăng cung cho khu vực nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, chưa động tới khu vực BĐS tồn kho.

Đến nay, việc tăng cung cho khu vực nhà giá rẻ đã thấy khá rõ tính khả thi, nhưng việc giải quyết kho BĐS tồn đọng vẫn chưa có những động thái cụ thể. Việc chuyển đổi dự án cũng chỉ mới tập trung chủ yếu vào các dự án trên giấy hoặc mới bắt đầu thực hiện.

Các tổ chức, thể chế mua bán nợ xấu vẫn chưa được thảo luận và càng chưa có chương trình cụ thể về việc thành lập và hoạt động của công ty chuyên quản lý tài sản tồn đọng.

Như vậy, cả Chính phủ và ngân hàng cũng cần xem xét lại để sao cho gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng thực hiện được nhiệm vụ của nó trước khi lo ngại những nhóm lợi ích có thể trục lợi từ nguồn vốn lớn đó của Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét