Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Bất Động Sản TP. Hồ Chí Minh: thu hút vốn trở lại

Cùng với chứng khoán, một dòng vốn lớn đang chảy mạnh vào thị trường bất động sản. Dòng vốn vào bất động sản không chỉ gián tiếp qua việc gom cổ phiếu bất động sản đang niêm yết, mà trên thị trường thực tế, nhiều khách hàng cũng đã quyết định xuống tiền.

 

Bất động sản thu hút vốn nhàn rỗi
Ghi nhận của PV từ các doanh nghiệp địa ốc có dự án mở bán từ đầu tháng 3 đến nay cho thấy, hầu hết các dự án đều có kết quả bán hàng khá tốt.
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị phân phối độc quyền Dự án căn hộ Hưng Ngân Garden tại quận 12, Tp.HCM cho biết, chỉ sau gần 2 tuần công bố mở bán, dự án đã thu hút hàng trăm lượt khách hàng tham quan và đến nay, hơn 100 sản phẩm của giai đoạn 1 đã chính thức được khách hàng đăng ký mua.
“Yếu tố để khách hàng quan tâm nhiều đến Dự án Hưng Ngân là Dự án có diện tích căn hộ nhỏ, giá hợp lý. Thêm vào đó, khách hàng mua căn hộ Dự án được hỗ trợ vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, cùng với chính sách thanh toán linh hoạt, chỉ cần thanh toán 5 triệu đồng/tháng là mua được nhà”, ông Thanh nói và cho biết, qua khảo sát cho thấy, khách hàng mua sản phẩm hiện nay không chỉ có nhu cầu để ở, mà còn để đầu tư, tích lũy tài sản.
Tại Dự án Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7, Tp.HCM), theo ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Bình, chủ đầu tư dự án, sau 3 tuần chính thức mở bán, đến nay đã có 40% trong số 400 căn hộ của block B mở bán được khách hàng mua, trong đó, toàn bộ căn hộ có diện tích từ 80 m2 trở xuống đã được bán hết.
“Khách hàng vẫn rất thận trọng trong quyết định mua nhà, nhưng thị trường tốt lên thấy rõ. Có một thực tế, nếu như năm ngoái, khách hàng chủ yếu mua nhà để ở, thì hiện tại, nhiều người mua để cho thuê”, ông Hùng lý giải.
Kế bên, Dự án Him Lam Riverside do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư cũng có kết quả bán hàng khá tốt. Theo đại diện của công ty này, khách hàng mua sản phẩm dự án đang nhắm vào mục đích cho thuê lại, bởi đây là dự án đã hoàn thành, có giá cho thuê 24 triệu đồng/tháng, trong khi mua căn hộ, khách hàng chỉ cần thanh toán 16 triệu đồng/tháng.

Căn hộ Him Lam Riverside đã giao nhà 1/2014
Tương tự, theo ghi nhận tại nhiều dự án khác được mở bán từ đầu tháng 3 đến nay, như Dự án đất nền Khu biệt thự ven sông Arista Villas, quận Thủ Đức của Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín; Dự án Sunny Plaza, Đại lộ Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) và CTCP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương (CNS Land); Dự án Mega Residences ở quận 9 của Công y Khang Điền; Dự án Lexington Residence tại quận 2 của Công ty Novaland… đều có kết quả bán hàng khá tốt.

Niềm tin đang trở lại
Dù chưa thực sự hoàn toàn khởi sắc, song theo nhận định của hầu hết giới chuyên môn, thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi và đi vào chu kỳ phát triển ổn định, bền vững.
Ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư An Phú (doanh nghiệp được thành lập để xử lý khối tài sản bất động sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) cho rằng, thị trường bất động sản vẫn đang có nhiều cơ hội phát triển. Sau đợt tái cấu trúc của HAGL, có nhiều người nói HAGL tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng điều này không chính xác. Nói đúng ra, HAGL chưa triển khai dự án mới, mà chỉ tập trung hoàn thiện những dự án dở dang.
“Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung vào những dự án khả thi về đầu ra, vừa làm, vừa thăm dò thị trường và sẵn sàng bơm vốn để phát triển các dự án mới khi thị trường có cơ hội”, ông Hùng nói và cho biết, hiện Công ty An Phú có hơn 10 dự án ở Tp.HCM với quỹ đất hàng chục héc-ta, tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Hầu hết những dự án này sẽ từng bước được triển khai trong thời gian tới.
 Theo ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch Tập đoàn Novaland, nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn còn đang trong giai đoạn tiếp tục sàng lọc, song những dự án nào được đầu tư bài bản, có giá trị vẫn luôn thành công, vì nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn. Với nhìn nhận này, ngay từ đầu năm nay, Novaland đã mạnh dạn mua lại 3 dự án của các doanh nghiệp khó khăn để đầu tư phát triển.
Còn theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, thị trường bất động sản Tp.HCM vẫn luôn có nhiều cơ hội. Năm nay có thể thị trường còn khó khăn, nhưng mức độ khó khăn sẽ giảm 60 - 70% so với năm ngoái và sẽ từng bước phục hồi, phát triển những năm kế tiếp. Đất Xanh đang chuẩn bị nguồn vốn lớn để đầu tư vào các dự án bất động sản có quy mô theo mô hình khu đô thị khép kín, có diện tích từ 10 - 20 héc-ta. Cụ thể, trong năm 2014, Đất Xanh sẽ khởi công một dự án theo mô hình này với tên gọi Đất Xanh City.
(Theo TCTC)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Hà Nội: giá bất động sản quá cao

Theo ông  Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản: Thu nhập của người dân Nhật Bản cao hơn người Việt Nam 31 lần nhưng giá đất ở các vùng ngoại ô của Hà Nội là tương đương Tokyo.

Trong cuộc Hội thảo "Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa" ngày 26/3, ông Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản so sánh: Giá đất khu vực phố cổ Hà Nội là thấp hơn của Ginza, nơi giá đất cao nhất tại Nhật Bản, hay Kabukicho, khu vực giải trí nổi tiếng của Tokyo. Nhưng giá đất phố cổ Hà Nội lại lớn hơn nhiều so với Hongo, Shirokanedai hay Idibashi, những nơi được xem là trung tâm Tokyo.

Theo vị chuyên gia người Nhật, nhìn chung, các quận như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và Cầu Giấy có giá đất tương tự như Koto-ku và Sugynami-ku (mất thời gian là 30 phút đi đến quận kinh doanh trung tâm Tokyo) hay thành phố Tachikawa và thành phố Hino (trong vòng 1 giờ đi đến quận kinh doanh trung tâm).



 "Kết quả này thật đáng ngạc nhiên khi khoảng cách thu nhập giữa hai nước là rất lớn. Sử dụng tỉ giá danh nghĩa chuyển đổi, trong năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản là cao hơn của Việt Nam 31 lần" - ông Kenichi Ohno nói.

Điều đó có nghĩa là, so với thu nhập, số tiền cần có để thực hiện giao dịch và lợi nhuận (hoặc thua lỗ) từ các giao dịch đất đai đối với người dân Hà Nội lớn hơn so với người dân Tokyo 31 lần.

Ông Kenichi Ohno cũng bày tỏ: Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người Việt Nam quan tâm nhiều tới việc mua bán bất động sản ngay lập tức hơn là việc phải đầu tư dài hạn để có được kỹ năng, công nghệ và quản trị kinh doanh. Thật khó để có thể thúc đẩy công nghiệp hóa hoặc nâng cao giá trị sáng tạo trong nước trong điều kiện như thế.

Khi trả lời báo giới về tình trạng "đóng băng" của bất động sản, chuyên gia kinh tế TS Alan Phan cho rằng: Nếu nhìn thuần túy theo góc độ thị trường, lý do duy nhất khiến bất động sản trì trệ là vì giá bán không phù hợp túi tiền người mua. Giá nhà đất hiện quá cao. So với thu nhập trung bình của người dân, hiện giá nhà đất đang cao gấp 25 lần. Trong khi đó, ở các nước khác, mức tối đa về giá chỉ cao gấp khoảng 7-8 lần thu nhập trung bình. Vì giá bất động sản ở Việt Nam không phù hợp nên người dân không thể mua được chứ không phải dân thiếu tiền hay không có nhu cầu.

Giá nhà đất cũng là một trong sáu nghịch lí của thị trường bất động sản Việt Nam mà GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng "điểm mặt". Theo GS Đặng Hùng Võ, giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động (trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là 2 - 4 lần), nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm ở mức 10 lần trong khu vực nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

(Theo Hải Quan)

Hà Nội: Căn hộ tăng chuẩn bị tăng giá

Ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ GP Invest cho hay, công ty đang dự tính sang tháng sẽ nghỉ bán để điều chỉnh lại mức giá căn hộ tại một số dự án. Không tiết lộ chi tiết, ông khẳng định mức điều chỉnh sẽ không quá cao và phù hợp với giá chung của thị trường. Trước mắt doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá một số dự án thêm khoảng 5% do diện tích tính căn hộ tính theo thông thủy thay vì tim tường. “Đơn giá bán từng m2 tăng lên nhưng tổng số tiền người mua nhà phải trả cho những căn hộ đó là không thay đổi”, ông Hiệp khẳng định. 

Tổng công ty Viglacera cho biết sau ngày 30/3 sẽ tính toán điều chỉnh giá bán khoảng 100 căn hộ dự án Thang Long Number One lên ít nhất khoảng 3-5% tùy theo biến động của thị trường. Giá bán hiện tại của dự án là 30,8 triệu đồng mỗi m2 (đã bao gồm VAT). 

Trước đó, Công ty TNHH Hòa Bình cũng dự kiến công ty sẽ tăng giá bán căn hộ dự án Hòa Bình Green City ít nhất 10% so với giá bán hiện nay do “giá thị trường đang quá thấp”.

Trên thị trường thứ cấp, hàng loạt căn hộ diện tích nhỏ, sắp hoàn thiện, cở sở hạ tầng hoàn thiện hoặc đã có thể ở ngay cũng được bán trao tay chênh hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng như án Golden Silk, Time City, Mandarin Garden, 102 Trường Chinh… Tại những dự án này, các căn hộ diện tích nhỏ chủ đầu tư đã bán hết hàng. Khách hàng mua đi bán lại chủ yếu thông qua hình thức tự thỏa thuận. Một số căn góc, diện tích nhỏ, tầng không quá cao, nhìn thẳng xuống hồ hoặc ra không gian thoáng được khách lựa chọn nhiều hơn.

 Căn hộ chuẩn bị tăng giá

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư VIC ông Nguyễn Viết Hải nhận định, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đang ấm dần lên ở một số khu vực có hạ tầng ổn định, dự án dần đi vào hoàn thiện. Theo ông Hải, toàn cảnh thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Ngoại trừ một số dự án ăn theo hạ tầng dọc khu vực đường Trường Chinh mở rộng được nhiều khách hàng quan tâm, thị trường mới ở trạng thái nhúc nhắc.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư VIC cho rằng, lòng tin khách hàng bị tổn thương do quá nhiều dự án chậm tiến độ, tranh chấp trong bất động sản xảy ra vừa qua. “Khách hàng chỉ chọn những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh để đảm bảo dự án không bị chậm tiến độ. Người mua tại thời điểm này chủ yếu là khách hàng thực, dân đầu tư chiếm tỷ lệ rất nhỏ”, ông cho hay.

Giới chuyên gia bất động sản nhìn nhận, thị trường chung cư rậm rịch tăng giá và thanh khoản tại một số dự án tăng cho thấy thị trường có tín hiệu vui, song địa ốc khó có khả năng lên cơn sốt. Ông Vũ Cương Quyết,  Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất xanh miền Bắc cho rằng, thị trường chung cư tăng giá chủ yếu do cách diện tích căn hộ theo phương pháp mới. Thông tư của Bộ Xây dựng quy định, từ 8/4, diện tích căn hộ sẽ được tính theo kích thước thông thủy, không bao gồm tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong nhà.

"Cách tính này khiến diện tích bán căn hộ có thể bị giảm đi khoảng 3-4%, do đó, chủ đầu tư sẽ tăng giá bán trên mỗi m2 để đảm bảo lợi nhuận thu về", ông Quyết nói.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đầu năm 2014, mức giảm giá nhà tại một số dự án có dấu hiệu chững lại, thậm chí có một trường hợp có dấu hiệu tăng giá nhẹ. Qua hơn 2 tháng đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội đã có nhiều giao dịch thành công mặc dù có thời gian dài nghỉ Tết cổ truyền. Theo thống kê của một số sàn giao dịch và các chủ đầu tư trong tháng 1 và tháng 2, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.290 giao dịch thành công (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013). Lượng giao dịch thành công chủ yếu tại những dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có vị trí đẹp, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, số liệu trên cho thấy thị trường bất động sản Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, trong đó có nhiều giao dịch ở các dự án có tồn kho từ đó đã góp phần làm giảm lượng hàng tồn kho.

“Việc tăng giá tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư bởi mỗi doanh nghiệp khi đưa ra chiến lược bán hàng đều đã tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, do đó, chuyện tăng giá cũng là điều dễ hiểu”, ông Hà bày tỏ.


Theo Vnexpress

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Những Thông tin tốt cho thị trường Địa Ốc

Thông tin về sự phục hồi của thị trường Địa Ốc rộ lên tại các sàn giao dịch thì tính xác tín của nó vẫn bị rất nhiều người đặt dấu chấm hỏi. Nhưng mới đây, việc ngân hàng hạ trần lãi suất tiết kiệm và cuộc “tái sinh” ngoạn mục của thị trường chứng khoán đã khiến những người hồ nghi nhất cũng phải tin tưởng vào tương lai sáng láng hơn của thị trường Địa Ốc.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, từ sau Tết nguyên đán, lượng người tìm kiếm thông tin về các dự án BĐS tăng đột biến. Lượt truy cập website liên tục tăng, và trong hai tuần vừa qua, trước  thông tin ngân hàng hạ lãi suất và vn-index cán mốc 600 điểm, lượt truy cập web lại lập đỉnh mới. Đây cũng là hai tín hiệu đáng chú ý nhất, gây phấn khích nhất cho thị trường BĐS thời gian gần đây.
Liên tiếp từ đầu năm đến nay, nhiều dự án BĐS mở bán với tỷ lệ giao dịch thành công ngoài mong đợi. Số lượng khách hàng tìm hiểu, quan tâm đến các dự án BĐS cũng không ngừng tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện sự tham gia thị trường của các nhà đầu tư, xuất hiện mức tiền chênh… khiến cho niềm tin thị trường hồi phục càng có cơ sở.


Hạ lãi suất kích thích dòng tiền chuyển hướng sang BĐS

Qua nhiều lần dùng chiêu bài tín dụng “kích” cầu tiêu dùng, chuyển động dòng vốn kém hiệu quả, ngày 18/3, Ngân hàng nhà nước lại hạ trần lãi suất tiết kiệm và một loạt mức lãi suất điều hành khác với kỳ vọng giảm áp lực vay cho doanh nghiệp, khơi thông tín dụng.

Khác với những lần trước, lần giảm lãi suất tiết kiệm này, Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu hạ với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, đây cũng là những kỳ hạn ưa thích của các nhà đầu tư có tiền, sẵn sàng chờ thời cơ để chuyển dịch vốn sang các loại tài sản khác như vàng, chứng khoán, bất động sản... Một điều không khó để nhận ra là thị trường BĐS đang có rất nhiều “cơ may” đón nhận dòng tiền từ sự dịch chuyển này. 

Các chuyên gia cùng chung nhận định, việc hạ trần lãi suât tiết kiệm sẽ kích
thích dòng tiền đổ sang chứng khoán, BĐS. Ảnh minh họa

 Bình luận về vấn đề này, bà Phan Ngọc Dung, Trưởng phòng kinh doanh CTCP Đầu tư Phát triển dự án Việt Sinh tại Tp.HCM, nhận định: Lãi suất hạ còn 6-7% được cho là mức lãi suất thấp kích thích nhiều người muốn chuyển tiền tiết kiệm sang mua nhà hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Mặc dù tâm lý chờ đợi bất động sản giảm giá thêm nữa vẫn còn nhưng với những người dân có nhu cầu mua nhà để ở, thì mức lãi suất giảm, họ sẽ tính toán và chọn lựa thời điểm phù hợp để mua nhà. 
Cộng hưởng với chính sách hạ lãi suất, việc nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu mới đối với thị trường nhà ở, đặc biệt là phân khúc trung, cao cấp.

Ngoài ra, theo bà Dung, dựa trên những chuyển biến tốt của thị trường từ cuối 2013 và đầu 2014, thị trường từ nay tới cuối năm về cơ bản sẽ vẫn dần ấm lên. Nhất là khi gói 30.000 tỷ đến nay mới giải ngân được 2%, sắp tới Chính phủ buộc phải có những giải pháp nhằm thúc đẩy tốc độ giản ngân của gói hỗ trợ này, dòng tiền đổ vào bất động sản sẽ tăng lên.

Tuy vậy, một số chuyên gia đánh giá, việc hạ lãi suất tác động tốt đến thị trường BĐS nhưng chưa thực sự mạnh. Doanh nghiệp còn chưa mặn mà vì ngân hàng mới chỉ giảm lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao đối với đại đa số người có nhu cầu về nhà ở nhưng có mức thu nhập trung bình. Các ngân hàng cần phải có sự đồng bộ trong việc giảm lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay mới đạt được hiệu quả kích thích tiêu dùng cao. 

Vn-index cán mốc 600 điểm - cú hích mạnh mẽ vào BĐS

Có thể nói chứng khoán và BĐS là hai anh em cùng một nhà và cùng phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Vì thế không chủ quan khi cho rằng, chứng khoán hồi phục cũng sẽ kéo theo BĐS và là dấu hiệu tốt của nền kinh tế.


 
Vn-index lập "kỳ tích" sau 7 năm. Ảnh minh họa

Vốn được cho là “bình thông nhau”, thông tin thị trường chứng khoán vừa lập được kỳ tích khi liên tục đạt đỉnh sau 7 năm là một tín hiệu cực tốt cho thị trường BĐS. Cụ thể ngày 27/2, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam với con số 3.500 tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, ngày 17/3 được cho là “mốc son” đáng nhớ của  TTCK khi đạt đến ngưỡng “không tưởng” 600 điểm - điều mà trước đó nhiều chuyên gia dự báo là không thể, trong khi đó nhóm cổ phiếu BĐS cũng chiếm 22% và có giá trị tăng cao nhất thị trường. Thông tin này đã giúp nền kinh tế trở nên có sức sống trở lại, kích thích người dân mạnh dạn chi tiêu hơn so với trước đây. Dù chứng khoán trong năm nay vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn sinh lời cao, nhưng theo dự đoán từ các chuyên gia, nguồn tiền đầu từ vào chứng khoán sớm muộn sẽ tập trung lại thành một mối, sau đó lại chảy sang một kênh đầu tư khởi sắc hơn, và vào thời điểm này kênh đầu tư đó chính là bất động sản.

Tiên lượng thị trường BĐS sẽ sôi động ngay sau TTCK đã từng được nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định. Nhất là sau một thời gian khó khăn kéo dài, diễn biến thị trường đã giúp các nhà đầu tư thận trọng hơn, khi mà cơn sốt chứng khoán còn chưa biết sẽ kéo dài bao lâu thì rất nhiều nhà đầu tư đã kịp thoát hàng và kiếm một khoản lợi nhuận không nhỏ. Dòng tiền này không chóng thì chầy cũng sẽ đổ vào thị trường BĐS. Thực tế, dù ít, đã có một số nhà đầu tư lướt sóng thành công trong thời gian qua, gom tiền lại để sở hữu bất động sản. Việc mua chỗ này, bán đi mua chỗ khác của những nhà đầu tư này sẽ giúp thị trường BĐS sôi động ngay sau TTCK, giúp tan băng thị trường BĐS nhanh chóng hơn, tiêu thụ được lượng hàng tồn kho, thúc đẩy quá trình quay vòng vốn của chủ đầu tư.

Kiềm chế lạm pháp ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn của Chính phủ cho thị trường BĐS trong thời gian qua đang phát huy tác dụng. Chắc chắn thông tin về việc hạ lãi suất và những tín hiệu tích cực từ thị trường vàng, chứng khoán, chỉ số CPI sẽ có những tác động nhất định đến tâm lý người mua. Niềm tin vào sự hồi phục của thị trường BĐS trong năm 2014 ngày càng được củng cố mạnh mẽ.

Đương nhiên, quá trình hồi phục thị trường BĐS sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều nhưng chắc chắn sẽ ổn định và bền vững hơn. Nhà đầu tư dù phấn khích đến đâu cũng nên có một kế hoạch dài hơi và thận trọng. “Thận trọng” vẫn là lời khuyên được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong lúc này.


Theo Batdongsan.com.vn

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Giải cứu thị trường Nhà Đất: Cần thủ tục

Thị trường Nhà Đất được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm nay, đặc biệt khi điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà được mở rộng. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, đã có những ý kiến khác.



 * Ông nhận xét như thế nào về thực trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay, sau nhiều năm thị trường trầm lắng?

- Nền kinh tế Việt Nam và thị trường bất động sản đang trải qua nhiều khó khăn, hàng tồn kho và nợ xấu vẫn tăng cao, tiền mặt cạn kiệt. Chúng ta phải chứng kiến hàng loạt cá nhân, doanh nhân lừa đảo, bỏ trốn, đánh nhau, tù đày đến án chung thân. Riêng với lĩnh vực bất động sản, tình hình khá trầm trọng.

Theo tôi, bất chấp những cảnh báo thời gian qua, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn say mê “đánh bạc” vào bất động sản mà không lường hết hậu quả. Khi doanh nghiệp phá sản, không chỉ tài sản của doanh nghiệp ấy bị mất mà còn làm mất tài sản của các ngành nghề khác, các ngân hàng cho vay, nghiêm trọng là người dân đã đóng tiền nhưng không đến được dự án và căn hộ đang dở dang.

* Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường cũng có dấu hiệu khởi sắc, “tan băng”?

- Tại TP. Hồ Chí Minh, có đến hàng trăm, hàng ngàn dự án “trùm mền đắp chiếu” nhưng chỉ chưa quá 20 dự án khởi động và tái khởi động thì đó chỉ là vài đốm lửa nhỏ trên tảng băng, chứ chưa có hy vọng tan băng.

* Theo ông, đến khi nào thì thị trường đi vào hoạt động ổn định, việc giao dịch diễn ra nhộn nhịp?

- Hiện nay, giao dịch mua bán vẫn diễn ra nhộn nhịp ở phân khúc nhà giá trung bình, giá bán căn hộ dưới một tỉ đồng. Thị trường sẽ ổn định nếu các dự án căn hộ được chuyển sang thực hiện các sản phẩm giá trung bình theo nhu cầu hiện nay.

* Nghĩa là không cần một gói tín dụng mang tính hỗ trợ nào?

- Gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng dành cho những người có thu nhập thấp vẫn cần thiết trong thời điểm này. Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai mà mới giải ngân được 3,56% là một thất bại lớn. Do vậy cần phải thay đổi, điều chỉnh lại các sản phẩm và quy định để thị trường có thể hấp thụ nguồn vốn này tốt hơn.

Phân khúc nhà giá trung bình vẫn được nhiều người quan tâm

* Vậy có cần các cơ quan ban ngành hỗ trợ bằng chính sách khác không, thưa ông?

- Tôi đã đề nghị từ hơn bốn năm trước, rằng “không cần và không thể cứu bất động sản bằng tiền” mà phải bằng thủ tục. Đó là “cởi trói”, giảm thiểu thủ tục, nhanh chóng giải quyết các “đơn xin” và cho doanh nghiệp thực hiện căn hộ nhỏ, vừa với khả năng mua của người dân, để có nhà tương ứng với gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng, để không còn hàng tồn kho hàng trăm ngàn tỉ đồng căn hộ giá cao, diện tích lớn như hiện nay.

* Việc Việt kiều và người nước ngoài sẽ được mua nhà ở Việt Nam, theo ông, sẽ có tác động như thế nào đến thị trường?

- Việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà sẽ không có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Đối tượng này chủ yếu giao dịch những căn hộ cao cấp, giá trị lớn, nhu cầu của họ chiếm dưới 5% nhu cầu thị trường, như vậy là lượng cầu quá nhỏ để có thể tác động vào thị trường bất động sản.

* Còn nguồn vốn ngoại từ các tổ chức lớn thì sao, thưa ông? Có giúp tháo gỡ thị trường được không?

- Những tổ chức có khả năng tài chính sẽ mua lại những dự án bất động sản “chết”, dự án dở dang để hồi sinh, tiếp tục xây dựng. Việc này đã và đang diễn ra trong thời gian qua.

* Ông từng phát biểu là “doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ gì cũng chết, chỉ có nhà nhỏ giá rẻ thì sống”. Liệu bây giờ nhận định này vẫn đúng?

- Vẫn đúng. Chỉ riêng 10 doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, giá trị hàng tồn kho bất động sản đã là 55.759 tỉ đồng và gần như không giảm mà thậm chí còn tăng do cộng thêm lãi, chứ không phải do đầu tư thêm. Còn phân khúc nhà nhỏ, giá trung bình giao dịch diễn ra sôi động và phát triển, nhu cầu loại căn hộ này hiện nay rất lớn mà thị trường vẫn chưa đáp ứng được.

* Đó sẽ là phân khúc phục hồi đầu tiên?

- Hiện nay phân khúc nhà giá trung bình, giá thấp vẫn đang giao dịch sôi động, và sẽ phục hồi đầu tiên.
* Còn về địa điểm, ở TP. Hồ Chí Minh, có nhận định rằng khu Đông với hạ tầng tốt sẽ sớm hồi phục, ông có đồng ý không?

- Theo tôi, hạ tầng tốt không bằng giá bán tốt (giá bán 11-13 triệu đồng/m2). Ở TP. Hồ Chí Minh, khu vực phục hồi đầu tiên là khu Tây Bắc tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Q.11… Khu vực này đông dân cư, hạ tầng có sẵn và có giá bán trung bình, phù hợp với đa số nhu cầu người dân nên giao dịch mạnh, tính thanh khoản cao, các dự án ở khu vực này đã hồi sinh nhiều nhất.


 Bất động sản khu Đông TP. Hồ Chí Minh có lợi thế về hạ tầng trong khi khu Tây Bắc có lợi thế về giá

* Như ông nhắc đến ở trên, hiện vẫn còn nhiều khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang và các dự án xây dựng dang dở. Nên xử lý như thế nào với các dự án này?

Biệt thự và nhà liền kề bỏ hoang không thể xử lý ngay được mà phải chờ một thời gian, khi thị trường phục hồi, nếu không phục hồi là phải chết. Vì như đã nói, nhu cầu thị trường hiện nay là nhà diện tích nhỏ, giá bán rẻ. Còn những chung cư xây dựng dở dang, chúng ta nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển nhượng cho các đơn vị có khả năng tài chính vào cuộc, đủ sức hồi sinh dự án, tăng nguồn cung cho thị trường, giải quyết được những “thây ma” đó.

* Ông có muốn kiến nghị điều gì với các cơ quan điều hành trong thời điểm này?

- Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, Nhà nước cần giải quyết nhanh các vấn đề để giúp thị trường hồi sinh và phát triển.

Thứ nhất, đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ, giải quyết cho các dự án chia nhỏ căn hộ, để sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, cũng như làm tăng nguồn cung căn hộ phù hợp với khả năng của người dân. Nên giao cho Sở Xây dựng giải quyết việc chia nhỏ căn hộ, không cần có ý kiến của UBND và liên sở.

Thứ đến, quy định hiện nay buộc phải xin phép xây dựng từng căn nhà ở riêng lẻ trong khu dự án đã có quy hoạch 1/500, tuy nhiên phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được cấp phép xây dựng. Như vậy sẽ quá lâu, làm tăng thủ tục trong việc quản lý xây dựng, gây tốn kém thời gian và công sức của người dân và cán bộ xây dựng. Vì thế, đối với dự án đã có quy hoạch 1/500 thì không cần giấy phép xây dựng.

Cuối cùng, cần tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 như doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy nhiều doanh nghiệp có thể tái khởi công dự án, đáp ứng được mong muốn của Chính phủ, giúp Nhà nước giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội cho người dân, doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho.

* Cảm ơn ông.
(Theo DNSG)

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Gói tín dụng mới: 50.000 tỷ đồng cho Địa Ốc

Dù thị trường BĐS đang dần có tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên, nhìn chung ngành Xây dựng và thị trường BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn.



Nhằm thực hiện theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014, các nghị quyết 01và 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ cũng như tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ cho thị trường BĐS và ngành xây  dựng.... ngày 25/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam VNCB (Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) tổ chức chương trình Hội nghị khách hàng – Tổ chức phát triển thị trường ngành Xây dựng chuyên nghiệp với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà.

Đặc biệt là về việc tiếp cận vốn vay cho dù lãi suất cho vay giảm tương ứng lãi suất trần huy động ngắn hạn đang tiếp tục giảm.

Việc khơi thông để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn còn là thách thức lớn, vẫn tồn tại sự thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng giữa ngân hàng với chủ đầu tư- nhà thầu- nhà cung ứng sản xuất VLXD,…

Gói tín dụng sẽ giúp xây dựng Sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ,…

VNCB hướng đến là một ngân hàng tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các Đơn vị/doanh nghiệp trong ngành Xây dựng - Vật liệu Xây dựng - Bất động sản. Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh VLXD-TTBTN đầu tiên trên cả nước, nhằm kích cầu sản xuất ngành xây dựng,là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.

Kiều Thuật

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Sở Hữu Căn Hộ Theo Tuổi Thọ Công Trình ( TS Trần Du Lịch)


“Việc chia nhỏ đất chung cư cho từng căn hộ và sở hữu căn hộ vô thời hạn như hiện nay dẫn đến nhiều rối rắm. Nên chăng người sở hữu căn hộ chỉ có quyền sở hữu theo thời hạn tồn tại của công trình. Còn đất của nhà chung cư vẫn thuộc quyền của chủ đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo trì, xây mới khi chung cư hết hạn” - TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đặt vấn đề tại hội thảo góp ý dự án Luật Nhà ở sửa đổi vào ngày 21-3.

Nên chăng quy định theo hướng đất chung cư vẫn thuộc quyền của chủ đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo trì, xây mới chung cư khi hết hạn... 

 Hết rối trách nhiệm bảo trì

TS Trần Du Lịch cho biết các nước đều quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư theo tuổi thọ của công trình bởi tất cả công trình đều có niên hạn sử dụng. Đối với chung cư thì đất vẫn thuộc về người đầu tư xây dựng. Do đó, chủ đầu tư chịu trách nhiệm duy tu bảo trì chung cư và điều này được thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì khách hàng có quyền kiện ra tòa. “Trường hợp chủ đầu tư phá sản, đất sẽ được chuyển giao cho Nhà nước và Nhà nước tiếp quản nhiệm vụ trên” - ông cho hay.

Ý kiến của TS Trần Du Lịch nhận được sự đồng tình của các đại biểu. “Đất chung cư nên thuộc quyền của chủ đầu tư. Việc chia nhỏ đất chung cư cho các hộ như hiện nay là không ổn. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình đến hết niên hạn sử dụng chung cư thay vì để ban quản trị giữ và chi trả phí bảo trì như hiện nay. Chỉ khi họ phá sản thì Nhà nước mới can thiệp” - ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, góp ý.


 Nhiều đại biểu đồng tình việc người sở hữu căn hộ chung cư chỉ có quyền sở hữu
theo thời hạn tồn tại của công trình. 

Đại diện Sở Xây dựng cho rằng nên quy định trong Luật Nhà ở về thời hạn sở hữu chung cư cũng như trách nhiệm di dời, xây dựng mới của chủ đầu tư. “Hiện việc này giao cho Nhà nước, chuyện kêu gọi đầu tư là rất khó khăn do vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Cư dân có quyền sở hữu vô thời hạn căn hộ chung cư nên đưa ra giá bồi thường cao thấp khác nhau” - vị này phân tích.

Đại diện Ban Quản lý khu Nam dẫn chứng về chung cư tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quỹ phí bảo trì lên đến hàng chục tỉ đồng. Việc giao cho ban điều hành quản trị chung cư giữ và chi trả quỹ này là rất rủi ro. “Ban quản trị cũng chỉ là một tập hợp người rời rạc, giữ tiền và chi tiền xong rồi đi mất. Nên giao trách nhiệm này cho chủ đầu tư” - ông đề nghị.



Người nước ngoài mua nhà: Bên ngại, bên thoáng

Một nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều là quyền mua nhà đất của người nước ngoài. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP, đề nghị cần bổ sung điều kiện khi người nước ngoài mua nhà như thời gian cư trú phải trên năm tháng, bổ sung thuế bất động sản và chỉ được mua nhà chung cư. Đồng thời, quy định rõ những khu vực không được phép mua để tránh hình thành những khu vực quy tụ cộng đồng người nước ngoài và vì mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia. “Thực tiễn cho thấy nếu cho người nước ngoài mua nhà đất rộng rãi thì sẽ không còn nhà cho người Việt Nam” - ông bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Trường, Phó phòng Văn bản Sở Tư pháp, cũng đồng ý mở rộng cho người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định để hạn chế tình trạng đầu cơ và lũng đoạn thị trường bất động sản, chẳng hạn người nước ngoài chỉ được mua một đến hai căn nhà. Về điều kiện chứng minh thời gian cư trú, ông Trường cho rằng rất khó thực hiện vì không có căn cứ. “Nên đổi thành có xác nhận của cơ quan có chức năng và giấy phép lao động” - ông Trường đề xuất.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng cần mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. “Việc hình thành cộng đồng là một thực tế khách quan, mọi quốc gia đều có những khu như vậy. Nếu không cho mua thì họ thuê và cũng hình thành những khu cộng đồng. Vấn đề là quản lý như thế nào và không phải sợ vấn đề an ninh quốc gia” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, nhận xét.
 
Một nội dung gây tranh cãi tại dự thảo Luật Nhà ở là chủ đầu tư phải trích 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Một số ý kiến đề nghị nên cho doanh nghiệp chọn hình thức nộp tiền vì không thể xen nhà ở xã hội vào khu nhà ở thương mại của dự án do “chất lượng nhà khác nhau, lại có sự khác biệt về lối sống, văn hóa giữa nhà ở cao cấp và nhà ở thu nhập thấp”.

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cho rằng không thể có sự khác biệt về hạ tầng giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội theo kiểu nhà ở xã hội phải chịu cảnh khu ổ chuột. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến vấn đề là quy hoạch thực chất do chủ đầu tư thực hiện. “Nhà nước không có gì trong tay nên đòi chủ đầu tư trích quỹ đất. Lẽ ra Nhà nước phải lập quy hoạch và bán cho ai chỗ nào làm gì, mình giữ lại chỗ nào. Tuy nhiên, quy trình này hiện bị ngược” - ông Lịch bày tỏ.

(Theo PLTp.HCM)

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Giải tỏa di dời dân cư tại cư xá Thanh Đa

Ngày 20/3, Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, Tp.HCM tổ chức họp báo thông báo kế hoạch tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư lô 4, lô 6 cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh có nguy cơ sụp đổ.

 

Quận Bình Thạnh, Tp.HCM sẽ niêm yết công khai phương án di dời khẩn cấp các hộ dân để phá dỡ chung cư lô 4 và lô 6 trước ngày 25/3 tới.

Theo Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, việc di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân đang sinh sống tại 2 lô chung cư nói trên do bị nghiêng, lún nứt, có nguy cơ sụp đổ bất ngờ; đồng thời tái bố trí nơi ở mới cho người dân tốt hơn nơi ở cũ.
Địa điểm tái bố trí gồm chung cư 1.050 căn hộ (block A và B) thuộc quy hoạch Khu tái định cư, công viên cây xanh-thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh, Tp.HCM, với gần 17,520ha, nằm ở vị trí tiếp giáp đường Phan Chu Trinh dự phóng (đang xây dựng) và trường Cán bộ Thành phố. Block A và B cao 20 tầng, diện tích mỗi căn hộ từ 56-90m2, trong đó block A dự kiến bàn giao ngày 30/9 tới còn block B dự kiến ngày 30/6 tới. Đường kết nối Phan Chu Trinh được đầu tư 27 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng Năm năm nay.
Phường 27, quận Bình Thạnh sẽ niêm yết công khai phương án di dời khẩn cấp để phá dỡ chung cư lô 4, lô 6 trước ngày 25/3 tới. Việc di dời, tái bố trí sẽ được thực hiện từ ngày 30/5-10/6 tới.
Cụm chung cư lô số cư xá Thanh Đa gồm 8 lô chung cư, được xây dựng trước năm 1975, trong đó lô 4, lô 6 nghiêng lún nghiêm trọng, vượt quá giới hạn cho phép, có nguy cơ sụp đổ. Cả lô 4 và lô 6 đều là nhà 5 tầng đúc, có tổng cộng 280 căn hộ với gần 300 cá nhân, hộ gia đình sở hữu, thuê sinh sống.
Nguyên tắc tái bố trí là diện tích căn hộ tái bố trí tối thiểu tương đương với diện tích căn hộ được sử dụng hợp pháp tại chung cư lô 4, lô 6. Đối với người đang sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước, mức thuê được tính bằng đơn giá căn hộ cũ nhân với diện tích căn hộ mới; trường hợp có nhu cầu mua căn hộ tái bố trí thì được xem xét giải quyết bán theo diện thuộc sở hữu Nhà nước đối với phần diện tích bằng diện tích căn hộ cũ còn phần diện tích chênh lệch được tính theo giá thị trường. Thời gian di chuyển đến nơi tái bố trí trước ngày 30/6 tới, mức hỗ trợ di chuyển là 6 triệu đồng/hộ.


Một chung cư trong cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.
Ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh cho biết Quận tổ chức phương án di dời khẩn cấp chứ không tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thành phố cũng đã thống nhất giao quận Bình Thạnh bồi thường bằng hình thức căn hộ, song song với lập phương án bồi thường giải phóng mắt bằng, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 10 năm nay.
Ông cũng khẳng định rằng quyền lợi của người dân tại chung cư lô 4, lô 6 thuộc sở hữu Nhà nước sẽ được bảo toàn tại căn hộ bố trí mới. Chung cư bố trí tái định cư ở phường 12 nằm trong khu quy hoạch hoàn toàn mới, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân được tái định cư. Nếu diện tích căn hộ cũ ở lô 4, lô 6 lớn hơn căn hộ bố trí thì người dân sẽ được bố trí 2 căn hộ mới để đảm bảo tối thiểu diện tích tương đương.
Trường hợp người dân không đồng ý tạm cư tại chung cư phường 12, được quyền quay lại căn hộ được xây dựng mới tại lô 4, lô 6 ở phường 27. Hiện quận Bình Thạnh đang kêu gọi nhà đầu tư trong 3 năm xây dựng xong lô 4, lô 6.
(Theo Vietnam+)